Khi mà hiện nay hầu hết mọi người đều nói tới hệ điều hành Windows 10 và Windows 11, thậm chí là Windows 7 cũng vẫn được nhắc tới khá nhiều thì cái tên Windows 8 lại rất ít được nghe tới. Đây là phiên bản tiếp nối thế hệ Windows 7 và đã mang tới những sự mới lạ trong sự phát triển của hệ điều hành Windows nói chung. Hãy cùng ComputechZ nhìn lại con đường mà hệ điều hành Windows 8 kể từ lúc mới ra mắt cho tới bây giờ nhé.
MỤC LỤC
1. Thời điểm phát hành các phiên bản Windows 8
Ngay từ khi Windows 7 được phát hành vào năm 2009 thì các bản phát triển cho hệ điều hành kế cận là Windows 8 cũng đã được Microsoft triển khai.
Năm 2011, tại triển lãm Điện tử tiêu dùng quốc tế (CES) được tổ chức tại Las Vegas, Nevada, đại diện của Microsoft đã công bố rằng họ sẽ phát hành Windows 8 mới trong năm 2012.
Đã có một số bản build Windows 8 được rò rỉ trước đó khiến cộng đồng công nghệ rộ lên nhiều thông tin để bàn tán. Tuy nhiên, động thái của Microsoft trước những vụ việc rò rỉ này là không làm gì. Họ vẫn tiếp tục xây dựng và thử nghiệm các bản build mới Windows 8 trước khi tung ra thị trường.
Cũng không có gì là lạ về các phiên bản Windows 8 bị rò rỉ khi điều này cũng khá giống với các phiên bản về trước. Có thể nói để công bố được hệ điều hành mới thì Microsoft cũng sẽ phải thử nghiệm nó trên rất nhiều thiết bị, thậm chí là phải kiểm tra tính ổn định của hệ điều hành trên các máy tính sử dụng cho các màn hình lớn được lắp đặt công cộng. Vì thế, việc bị rò rỉ thông tin cũng như các bản build của Windows 8 không có gì là quá mới mẻ.
Microsoft chính thức phát hành hệ điều hành Windows 8 vào ngày 26 tháng 10 năm 2012 trên toàn thế giới. Windows 8 được phát hành dành cho cả PC, laptop, tablet và cả smartphone.
Các phiên bản mà Windows 8 được xây dựng gồm:
– Windows 8 (Core): đây là phiên bản cơ bản nhất của Windows 8. Nó được Microsoft xây dựng và phát triển với mục tiêu nhắm tới tệp khách hàng chính là các gia đình và người dùng cá nhân có nhu cầu cơ bản.
– Windows 8 Professional: gọi tắt là Win 8 pro. Đây là phiên bản cao cấp hơn Windows 8 Core và dành cho những người sử dụng máy tính chuyên nghiệp hơn. Phiên bản này cũng bao gồm toàn bộ những tính năng cơ bản của Windows 8 Core và bổ sung thêm một số tính năng mới như công cụ kết nối và điều khiển máy tính từ xa Remote Desktop, hỗ trợ công nghệ ảo hóa hay tính năng bảo mật ổ cứng bằng Bitlocker.
– Windows 8 Enterprise: Đây là phiên bản dành cho các tổ chức, doanh nghiệp lớn. Windows 8 Enterprise được phát triển dựa trên Windows 8 Pro nhưng được bổ sung và kết hợp thêm nhiều tính năng, ứng dụng để hỗ trợ doanh nghiệp.
– Windows 8 RT: là phiên bản được phát triển dành cho các thiết bị sử dụng chip ARM như máy tính bảng, điện thoại thông minh,… Vì sự hạn chế của các thiết bị ARM nên những tính năng của Win 8 RT cũng không có nhiều tính năng được phát triển trên các phiên bản dành cho máy tính cá nhân. Trên Windows RT được trang bị bộ công cụ Office cơ bản nhất như Word, Excel, Powerpoint, OneNote, nếu muốn mở rộng danh sách kho ứng dụng trên phiên bản này thì người dùng có thể tải trên Microsoft Store xuống.
2. Hệ điều hành Windows 8 đã mang tới những gì cho người dùng?
Theo công bố của Microsoft, Windows 8 ra đời vẫn giữ nguyên hầu hết những gì mà Windows 7 đã từng sở hữu nhưng kèm theo là nhiều sự thay đổi đáng kể trong phiên bản mang số 8 này.
2.1 Giao diện
Màn hình desktop của Windows 8 vẫn giữ nguyên bố cục của phiên bản Windows 95 từ trước đó, không có sự thay đổi nhiều khi thành taskbar với bố cục từ trái qua phải gồm nút Start > ứng dụng đang mở hoặc được ghim vào thanh taskbar > tiện ích mặc định của Windows.
Tuy nhiên, nút Start luôn là một trong những khu vực được nói tới rất nhiều mỗi khi hệ điều hành mới của Microsoft ra mắt.
Tới thời Windows 8, giao diện Start đã biến đổi hoàn toàn so với Windows 7. Không còn là thanh Menu hiển thị nhanh các tính năng, ứng dụng ở cột bên trái màn hình với background trong suốt nữa mà khi bấm vào Start của Win 8, hệ điều hành sẽ tự động hiện lên một màn hình với phong cách mang tên Metro mà Microsoft đặt ra.
Mọi ứng dụng sẽ được dàn trải trên toàn màn hình với dạng các ô vuông và sắp xếp thành các cột, các hàng trông khá giống một chiếc cửa sổ. Ngoài ra người dùng cũng có thể tùy biến kích thước của các ô ứng dụng một cách thoải mái.
2.2 Ứng dụng dạng Modern UI
Những ứng dụng được Microsoft phát triển tới thời Windows 8 được thiết với giao diện hoàn toàn mới và chúng được gọi là các ứng dụng Modern UI với cách thức thao tác, sử dụng ứng dụng hoàn toàn mới lạ.
Khi bạn bấm vào nút Windows trên bàn phím, Windows 8 sẽ hiển thị lên giao diện Metro mới. Tại đây ngoài các phần mềm, ứng dụng mà bạn tự cài đặt, Windows cũng sẽ hiển thị những phần mềm Modern được tích hợp sẵn kể từ lúc cài Win 8 vào máy.
Một số ứng dụng dạng Modern tiêu biểu của Windows 8 như News, Skype, Calender, OneDrive,…
2.3 Thanh Charm Bar
Đây là một chức năng mới chỉ có trên Windows 8. Là nhóm các công cụ gồm Search (tìm kiếm), Share (Chia sẻ), Start (Menu Start), Device (Thiết bị), Settings (Cài đặt) được đặt trong cùng một cột được ẩn giấu sau màn hình.
Người dùng muốn sử dụng các chức năng có ở Charmbar thì di chuột kịch khung màn hình bên phải, thanh công cụ với nền màu đen này sẽ hiện ra. Ngoài ra, để mở thanh công cụ Charm này, bạn có thể bấm tổ hợp phím Windows + C.
2.4 Tính năng Snap màn hình
Snap screen có lẽ không phải là tính năng quá mới mẻ gì trên Windows 8 khi mà nó đã xuất hiện ở phiên bản Win 7 trước đó.
Tuy nhiên, một cải tiến mà tính năng chia màn hình thành nhiều khu vực này có thể làm được đó là nó cho phép người dùng tách được các ứng dụng Modern riêng biệt với các ứng dụng, phần mềm cài đặt khác.
Ngoài ra, người dùng cũng có thể tự điều chỉnh kích thước khi màn hình được chia nhiều khu vực bằng khung phân chia có dấu ba chấm ở giữa, khá là tiện lợi.
2.5 Settings
Một điểm mới mà Windows 7 không có đã xuất hiện trên Windows 8 và đến giờ nó vẫn được tích hợp trong Windows 10 và sắp tới là Windows 11 đó là giao diện Settings.
Hầu hết người dùng sử dụng các phiên bản Windows trước kia đều chủ yếu thay đổi các cài đặt của hệ thống máy tính thông qua Control Panel. Nhưng đến với Windows 8, Microsoft đã mang tới một trải nghiệm thay đổi các thiết lập, cài đặt cơ bản của hệ thống bằng một Modern app mang tên Settings.
Không phải là hoàn toàn nhưng gần như mọi tính năng có trong Control Panel được nhét hết vào trong Settings với giao diện khác, cách mở, cách thao tác khiến cho phần lớn người dùng thời điểm đầu mới dùng Win 8 chưa thể quen được.
Thậm chí, Control Panel vẫn được giữ lại ở Windows 8 nhưng để tìm được nơi mở nó cũng không mấy dễ dàng lắm như thời Windows 7 hay XP trở về trước.
2.6 Microsoft Store
Cửa hàng cung cấp các ứng dụng cho người dùng Microsoft Store lần đầu xuất hiện trên Windows 8. Đây cũng là một Modern app được tích hợp trên Windows 8.
Giống như CH Play của Google, Microsoft Store cũng là nơi dành cho các nhà phát triển phần mềm có thể đưa sản phẩm của mình lên đây để bán và kiếm doanh thu từ cửa hàng của Microsoft.
Vẫn có rất nhiều phần mềm trên Store mà người dùng có thể tải miễn phí để phục vụ cho công việc hay giải trí của mình. Nhưng thường đó là những ứng dụng có các tính năng đơn giản, độ phổ biến cao, không quá chuyên môn cho một công việc cụ thể nào đó.
3. Vì sao Windows 8 lại bị thất sủng?
Không thể phủ nhận rằng những cải tiến mới của Windows 8 mang tới làn gió mới trong trải nghiệm của người dùng máy tính. Và thực sự tới giờ, nhiều thứ có trên Windows 8 tính đến nay vẫn được thừa kế và phát triển thêm tại Windows 10 và Windows 11.
Tuy nhiên, theo quy luật tự nhiên, một sự thay đổi mới trong một giai đoạn đang có những điểm tích cực ắt sẽ gặp nhiều gian nan, khó khăn.
Theo báo cáo của MarketShare, vào cuối năm 2020, lượng người sử dụng hệ điều hành Windows 7 chiếm tới hơn 17%, trong khi đó số lượng máy tính sử dụng Windows 8 chỉ loanh quanh đâu đấy khoảng hơn 1%.
Điều này cho thấy cái bóng quá lớn của Windows 7 khiến cho những sự đổi mới của Windows 8 không thể vượt qua được. Cùng với nội tại những làn gió mới của Windows 8 đã mang lại nhiều sự phàn nàn hơn là lời khen dành cho hệ điều hành này.
Lý do đầu tiên có lẽ phải nói tới chính là việc đập đi xây lại giao diện Windows. Chuyển từ Aero đang được nhiều người dùng ưa thích sang giao diện Metro rồi thì Modern UI đã khiến những mộng tưởng của Microsoft về một sự trải nghiệm mới sẽ đem lại hiệu quả mới tan thành mây khói.
Lý do thứ hai là Microsoft đã thay đổi thói quen sử dụng máy tính của người dùng một cách chóng mặt, nhất là nhóm đối tượng phổ thông chiếm đông đảo tỷ lệ người dùng. Nếu so sánh giữa Windows 7 và Windows 8 thì mọi thao tác, tính năng khi thực hiện trên Win 7 đều sẽ nhanh chóng và thuận tiện hơn so với Win 8. Chưa kể giao diện mới của Win 8 còn dễ gây bối rối cho những người không chuyên.
Lý do thứ ba phải kể tới đó là khả năng hỗ trợ cảm ứng trên Windows 8. Đành rằng Microsoft đã rất quyết tâm để đưa trải nghiệm cảm ứng đa điểm lên các thiết bị được cài Windows 8 nhưng có vẻ như nó hơi thừa thãi với các máy tính cá nhân sử dụng chuột và bàn phím.
Vẫn là câu chuyện tính năng cảm ứng trên thiết bị. Song hành cùng Windows 8, Microsoft còn tiến vào thị trường tablet bằng việc tung ra hệ điều hành Windows RT như một nhánh của Windows 8 trên các thiết bị di động. Tuy nhiên vì sự hạn chế về ứng dụng phần mềm, Windows RT cũng nhận những thất bại ê chề chả kém gì Windows 8.
Lý do cuối cùng là không nhận được sự chào đón lớn của khách hàng. Khi mà Windows 8 đã thất bại trong việc mang tới trải nghiệm dùng máy tính của khách hàng cá nhân thì với nhóm khách hàng doanh nghiệp cũng không được welcome nhiều lắm. Đơn giản vì các doanh nghiệp thời điểm đó hầu như đã ổn định với những tính năng của hệ điều hành Windows 7 Enterprise và chả có lý do gì để họ phải bỏ tiền để nâng cấp hệ điều hành mới.
4. Lời kết
Chỉ sau 4 năm kể từ ngày ra mắt, tháng 1 năm 2016 Microsoft đã quyết định dừng hỗ trợ cho hệ điều hành Windows 8. Tức là tuổi đời của Windows 8 chỉ vỏn vẹn có 4 năm, không phải là một thời gian quá dài đối với một hệ điều hành máy tính.
Nhìn chung thì Windows 8 cũng là một trong những hệ điều hành đáng để chúng ta nhắc tới vì những gì nó mang lại đã khởi đầu cho một sự thành công mới của Microsoft với Windows 10 về sau. Thực tế, Windows 8 có thể được coi là một phiên bản nâng cấp hơn của Windows 7 với giao diện mới. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại những thay đổi mà Microsoft mang tới cho Windows 8 có vẻ đã đi sai hướng tại thời điểm nó mới ra mắt.