Trang chủThủ Thuật Máy TínhBảo mật dữ liệu trên máy tính trước khi mang ra cửa hàng để...

Bảo mật dữ liệu trên máy tính trước khi mang ra cửa hàng để sửa chữa

Bảo mật dữ liệu trên máy tính tại nhà hay tại nơi làm việc bằng cách đặt mật khẩu truy cập vào máy tính là điều hầu hết nhiều người dùng máy tính đang thực hiện.

Vậy trong trường hợp máy tính của bạn bị gặp lỗi và cần mang ra tiệm, cửa hàng sửa chữa và bạn không tin tưởng vào nhân viên kỹ thuật của cửa hàng, lo sợ xảy ra tình huống họ có thể tự ý truy cập vào máy tính của bạn và có hành động với dữ liệu bên trong của bạn thì sao?

Trong bài viết sau, ComputechZ xin được chia sẻ một số kinh nghiệm có thể giúp bạn bảo mật được dữ liệu của mình trong tình huống phải mang máy tính ra cửa hàng sửa chữa.

1. Tạo thói quen sao lưu dữ liệu quan trọng lên dịch vụ đám mây

Ngày nay, các dịch vụ lưu trữ dữ liệu lên đám mây (Cloud Storage Service) đã quá phổ biến với nhiều người sử dụng máy tính.

Đây là hình thức lưu trữ, chia sẻ dữ liệu lên hệ thống của các bên thứ 3 thông qua Internet. Người dùng có thể tải lên, kiểm soát dữ liệu cá nhân và chia sẻ dữ liệu với người khác  trên nền tảng của các bên cung cấp dịch vụ.

Anh chị em nên tải lên các dữ liệu quan trọng của mình lên đám mây để phòng trường hợp máy tính bị gặp lỗi, không thể truy cập vào hệ điều hành để sao lưu dữ liệu.

Hiện nay đã có rất nhiều người gần như chuyển sang dùng các dịch vụ lưu trữ đám mây này thay cho ổ cứng vật lý truyền thống.

Các dịch vụ lưu trữ đám mây phổ biến nhất hiện nay có thể kể tới gồm Google Drive của Google, OneDrive của Microsoft, Fshare của FPT hay MEGA,…

Lưu ý: Không nên lưu tài khoản, mật khẩu đăng nhập vào các dịch vụ lưu trữ đám mây trên máy tính. Rất có thể khi mang máy tính ra cửa hàng sửa chữa, kỹ thuật viên có thể biết được tài khoản của bạn và truy cập vào các công cụ lưu trữ đó. Hãy lưu ở một thiết bị khác như điện thoại cá nhân, máy tính khác mà bạn tin tưởng để có thể backup kịp thời.

hướng dẫn bảo dữ liệu máy tính

2. Không để bất kỳ dữ liệu quan trọng ở ổ C

Ổ C trong máy tính Windows là ổ cứng chứa hệ điều hành và các phần mềm cần thiết của máy tính.

Hầu như chúng ta đều có thói quen đó là lưu trữ mọi thứ lên phân vùng ổ C này. Đây là một thói quen không nên khi sử dụng máy tính.

2 thói quen mà đại đa số người dùng máy tính hay gặp nhất gồm:

– Download phần mềm, tài liệu từ trình duyệt xuống thường không chọn phân vùng ổ cứng khác để lưu mà thường để nguyên mặc định tại ổ C với đường dẫn là
C:\Users\Device Name\Downloads (Device Name là tên thiết bị được đặt)

– Thói quen bấm Next liên tục trong quá trình cài đặt phần mềm, ứng dụng lên máy tính.

Đây là 2 lý do chính khiến cho ổ C của anh chị em nhanh đầy và thanh hiển thị dung lượng đỏ lòm trong Explorer. Điều này sẽ làm cho máy tính hoạt động chậm đi nếu máy tính và thêm rủi ro có thể bị mất dữ liệu khi máy hỏng như đã kể trên.

Khi máy tính gặp lỗi phần mềm, hầu hết đều ảnh hưởng chủ yếu tại ổ C. Nên khi máy tính gặp sự cố thì có rất nhiều nguy cơ cao dữ liệu sẽ bị xóa hoặc bị hỏng mà khó có thể khôi phục lại được.

Hãy thay đổi thói quen lưu file, folder hay cài đặt phần mềm hoàn toàn trên ổ C, anh chị em hãy chuyển đường dẫn tải file của trình duyệt sang ổ cứng khác. Khi cài đặt phần mềm nhớ chọn phần vùng ổ khác ngoài ổ C. Trừ 1 vài phần mềm, ứng dụng bắt buộc phải cài lên ổ C mới hoạt động được thì ta không tính.

ổ cứng C bị đầy

3. Mã hóa ổ cứng, file, folder chứa dữ liệu trước khi đem ra tiệm

Sau khi đã thay đổi thói quen chuyển việc lưu trữ dữ liệu ra ổ cứng khác, các bạn nên mã hóa ổ cứng đó lại để bảo vệ dữ liệu trên máy tính.

Có thể sử dụng các phần mềm thứ ba hoặc sử dụng trực tiếp công cụ Bitlocker có sẵn của Windows để khóa ổ lại.

bảo mật ổ cứng bằng bitlocker windows

Nếu bạn không muốn tạo mã khóa bảo mật cho ổ cứng mà chỉ muốn bảo mật một số folder hoặc file làm việc nhất định thì cũng chỉ cần tạo mật khẩu riêng biệt cho các file đó là được.

Cách bảo mật dễ thực hiện nhất đó là nén các thư mục, file lại và đặt mật khẩu cho file nén đó là xong.

Ví dụ: tại đây mình sử dụng WinRAR để nén file và tạo password cho file đó như sau:

– Bước 1: Chọn thư mục hoặc file mà muốn nén lại => chọn Add to archive…

mã hóa dữ liệu bằng winrar

– Bước 2: Tại tab General => chọn Set password

mã hóa dữ liệu với winrar

– Bước 3: Nhập password mong muốn vào 2 dòng Enter PasswordReenter password for verification => tích chọn Encrypt file name => OK => OK

tạo mật khẩu bằng winrar

– Bước 4: Xóa triệt để các folder, thư mục vừa được nén lại (không phải xóa file nén có định dạng .rar nhé) bằng phím tắt Shift + Delete.

Việc làm này sẽ giúp bạn bảo mật được các dữ liệu mà bạn cho là quan trọng và chúng được gói gọn trong file WinRAR mà thôi.

Khi mang ra tiệm, người sửa máy tính cho bạn mà muốn truy cập vào những file dữ liệu này thì cũng không thể vì cần mật khẩu của bạn. Mà để phá được password của WinRAR cũng không phải là điều dễ dàng, đơn giản gì cả.

4. Bảo mật dữ liệu trên máy tính trên trình duyệt web đang sử dụng

Hầu hết máy tính của mọi người hiện nay đều ít nhiều sử dụng một trình duyệt nhất định. Có thể đó là Chrome, Cốc Cốc, Firefox hay Microsoft Edge.

Dữ liệu trên trình duyệt được lưu lại trên máy tính và tài khoản đồng bộ với trình duyệt đó từ lịch sử duyệt web, lịch sử tải file, tiện ích mở rộng,…

Trong trường hợp máy tính vẫn còn hoạt động được và có thể truy cập vào được trình duyệt, bạn nên thực hiện một số thao tác với trình duyệt trước khi đem tới cửa hàng để sửa chữavà :

– Cài đặt thông báo về điện thoại hoặc máy tính khác khi có cảnh báo đăng nhập trái phép vào tài khoản Google, Apple, Microsoft trên máy tính mà bạn đang đem đi sửa tại cửa hàng.

Ví dụ: Google Alert – công cụ cảnh báo khi tài khoản Google đăng nhập ở một thiết bị máy tính hoặc một mạng internet khác ngoài các mạng mà bạn đang dùng.

– Đăng xuất tất cả tài khoản trên các trang mạng xã hội, email cá nhân và công việc.

– Xóa lịch sử duyệt web, cookies, tiện ích mở rộng của trình duyệt.

– Xóa lịch sử tải file trên trình duyệt.

– Nếu có sử dụng email làm tài khoản đồng bộ dữ liệu với trình duyệt thì cũng đăng xuất hết ra.

xóa lịch sử duyệt web

5. Chuẩn bị thêm ổ cứng phụ cho máy tính trước khi sửa chữa

Bạn nên sắm thêm một chiếc ổ cứng thứ hai với mục đích dùng dự phòng trong trường hợp ổ cứng chính có vấn đề.

Khi mang máy tính ra cửa hàng, bạn nên yêu cầu kỹ thuật viên sử dụng ổ cứng phụ kia (hoặc có thể nhờ luôn cửa hàng sử dụng ổ cứng của họ để test) để kiểm tra và sàng lọc lỗi có đến từ phía phần mềm hay không.

Nếu máy tính hoạt động bình thường với chiếc ổ cứng phụ thì lúc đó hẵng đưa cái ổ cứng chính ra để cho cửa hàng kiểm tra.

Nhưng cố gắng cần sao lưu lại hoặc thiết lập các biện pháp bảo mật dữ liệu mà ComputechZ vừa chia sẻ bên trên để hạn chế tối đa rủi ro trong trường hợp đơn vị mà bạn đến để sửa máy tính có ý đồ xấu muốn truy cập thông tin trong máy tính của bạn.

bảo mật dữ liệu cá nhân trên máy tính

6. Giám sát kỹ thuật viên sửa máy nếu có thời gian

Để giảm thiểu rủi ro không gặp phải tình huống bị phía cửa hàng sửa chữa máy tính có cơ hội truy cập vào nơi chứa dữ liệu của bạn là bạn nên có mặt trong thời gian mà họ sửa.

Đảm bảo rằng bạn có thể mang máy tính đi sửa khi bạn hoàn toàn rảnh rỗi và không ngại ngần ngồi lại cửa hàng trong quá trình kỹ thuật viên sửa chữa, thậm chí bạn cũng nên yêu cầu được phép giám sát quá trình mà kỹ thuật viên sửa máy của bạn.

Có lẽ điều này cũng không quá đáng gì vì đó là điều nên làm nếu cả 2 bên đều không muốn xảy ra vấn đề bất đắc dĩ.

Trên đây là một số kinh nghiệm trong việc tự bảo mật dữ liệu máy tính cá nhân trước khi mang máy tính tới các tiệm, cửa hàng sửa chữa và lo ngại về vấn đề bị xâm nhập dữ liệu trái phép từ phía đơn vị nhận sửa chữa.

Hy vọng bài viết của ComputechZ sẽ giúp ích được các bạn và mong rằng nếu biết thêm cách để bảo vệ máy tính trong trường hợp phải đem đi sửa, bạn vui lòng để lại bình luận ở phía dưới để mình và mọi người cùng được biết thêm nhé.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ