Máy tính khởi đông lại liên tục là một trong những lỗi hay gặp phải sau khi bạn sử dụng máy tính được một thời gian dài. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Vì vậy, trong bài viết dưới đây, ComputechZ sẽ tổng hợp mọi nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng này cùng với cách khắc phục. Bạn theo dõi bài viết để xem rằng máy tính của bạn bị khởi động lại liên tục trong trường hợp nào nhé.
MỤC LỤC
1. Check máy tính có bị nhiễm virus hay không
Virus xâm nhập vào máy tính là nguyên nhân hay gặp nhất khiến xảy ra tình trạng máy tính reset lại liên tục khi đang sử dụng.
Khi máy tính bị dính virus, chúng sẽ tấn công vào hệ thống phần mềm, chiếm dụng tài nguyên phần cứng để khởi chạy các chương trình phá hoại. Máy tính khởi động lại liên tục là một trong những cách phá hoại mà nhiều loại virus được lập trình.
Cách khắc phục:
– Sử dụng các phần mềm diệt virus như KIS, ESET hay Windows Defender cho phép Scan máy tính theo thời gian thực (Real-time) một cách thường xuyên và có định kỳ.
– Virus được phát hiện và diệt bằng các phần mềm trên mà máy tính vẫn xảy ra lỗi tắt đi khởi động lại liên tục thì rất có nhiều khả năng là các phần mềm antivirus chưa hoặc không diệt được triệt để. Lúc này bạn nên cài lại win là cách tốt nhất.
2. Ổ cứng bị lỗi làm máy khởi động lại liên tục
Nguyên nhân thứ hai phải kể tới đó là ổ cứng của bạn bị lỗi Bad Sector. Lỗi này rất phổ biến ở cả ổ cứng HDD và SSD.
Bad Sector là lỗi phân vùng ổ cứng hay gặp khi mà ổ cứng đã dùng được một thời gian dài. Lỗi này hiểu đơn giản là khi bạn làm việc một file trên máy tính mà file đó được định vị trên ổ cứng tại phân vùng bị Bad Sector thì có nguy cơ máy tính lập tức reset lại.
Ngoài ra, trong quá trình khởi động máy, phân vùng ổ cứng chứa hệ điều hành mà bị bad sector thì cũng làm cho hệ thống máy bị khởi động lại liên tục.
Cách khắc phục:
– Trường hợp 1: máy tính vẫn vào được Windows
Với trường hợp này, bạn có thể kiểm tra tình trạng sức khỏe của ổ cứng trong Windows bằng cách nhấn vào mục Error checking ở trong mục Tools của phần Properties (Ổ C – ổ chứa hệ điều hành).
Hoặc sử dụng phần mềm Crystal Disk Info để xem sức khỏe của ổ cứng ra sao.
– Trường hợp 2: máy tính không boot vào được Windows
Đây là lỗi khi mà phân vùng chứa hệ điều hành bị Bad Sector. Gặp lỗi này thì cách khắc phục là anh em nên thay ổ cứng khác để boot Win và dùng Crystal Disk Info để kiểm tra sức khỏe của ổ cứng bị lỗi kia.
Bài viết liên quan: Mainboard không nhận ổ cứng
3. Kiểm tra Mainboard có bị vấn đề gì không?
Nguyên nhân thứ 3 có thể làm cho máy tính khởi động lại liên tục đến từ Mainboard.
Vì một lý do nào đó mà một linh kiện trên Main bị hỏng và ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng boot Win từ ổ cứng của bo mạch chủ.
Ví dụ như một con tụ bất kỳ trên main bị cháy, chân tiếp xúc của khe PCIe hay khe Ram bị tổn hại cũng có thể là tác nhân làm máy tính bị reset liên tục.
Thường thì vấn đề do bo mạch chủ gây nên chiếm tỷ lệ khá ít, chủ yếu đến từ các tác động vật lý là nhiều làm cho bo mạch bị hỏng.
Cách khắc phục khi Mainboard gặp vấn đề:
– Mua một chiếc card test main.
– Cắm vào Mainboard hiện tại, bật nguồn và xem chiếc card có sáng đèn hay không. Đây là công cụ rất hữu dụng trong việc kiểm tra bo mạch chủ có gặp lỗi hay không.
4. Máy tính khởi đông lại liên tục do lỗi RAM
Máy tính hay khởi động lại liên tục do vấn đề về RAM là lỗi tương đối phổ biến.
Với RAM thì có một số trường hợp như sau:
– RAM cắm lỏng, chân tiếp xúc với khe trên bo mạch chưa hoàn toàn
– Khe RAM lâu ngày chưa vệ sinh, bụi bẩn có thể làm giảm tiết diện tiếp xúc.
– Chip RAM bị hỏng khiến hệ thống máy tính không nhận diện RAM.
Cách khắc phục:
– Vệ sinh lại RAM và khe cắm RAM bằng chổi lông mềm, thổi bụi sạch sẽ.
– Mang RAM sang cắm vào Mainboard khác xem có lên hình hoặc bị khởi động lại liên tục không.
– Trong trường hợp, máy tính nhận RAM, lên được hình, vào được Win nhưng chỉ được một lúc là lại tắt đi khởi động lại thì rất có khả năng chip RAM đã bị lỗi. Với lỗi này thì bạn nên mang ra địa chỉ sửa chữa linh kiện uy tín để kiểm tra chắc chắn hơn.
5. Kiểm tra lại CPU gắn trên bo mạch chủ
Máy tính tự khởi động lại liên tục cũng có tỷ lệ nguyên nhân đến từ CPU.
Trong trường hợp kiểm tra Mainboard, RAM không gặp vấn đề gì thì anh em cũng cần xem xét tới CPU.
Hay gặp nhất là trường hợp CPU hoạt động lâu ngày, hết keo tản nhiệt và bị nóng lên quá mức cộng với bụi bẩn bám vào, giảm tiếp xúc của socket giữa CPU với Main.
Cách khắc phục:
Tháo CPU ra vệ sinh lại socket trên Mainboard và làm bề mặt CPU rồi tra thêm keo tản nhiệt mới.
Đồng thời bạn cũng nên vệ sinh luôn quạt tản nhiệt để tăng tốc độ hút khí làm mát cho CPU hơn nhé.
6. Pin CMOS bị hết cũng khiến máy tính bị reset liên tục
Pin CMOS là viên pin cung cấp nguồn điện cho chip CMOS hoạt động. Chip CMOS là con chip được thiết kế với tính năng lưu trữ thông tin về thời gian, ngày tháng hoạt động cùng với các thiết lập phần cứng trước đó.
Khi pin CMOS hết, hệ thống BIOS không lấy được dữ liệu trong CMOS để thực hiện tiến trình khởi động như bình thường. Từ đó, máy tính thường khởi động lại liên tục cho đến khi nào nạp được dữ liệu từ CMOS vào.
Cách khắc phục:
– Mua pin CR2032 mới với giá khá rẻ, khoảng 10 nghìn đồng/cục.
– Tháo pin CMOS đang lắp trên Main ra, thay viên pin mới vào.
– Khởi động lại máy tính để kiểm tra xem còn tình trạng bị khởi động lại liên tục hay không.
7. Lỗi máy tính tự reset vì nguồn cấp không đủ điện
Nguồn máy tính có công suất yếu hoặc bị hỏng bộ phận nào đó bên trong, không cung cấp đủ điện cho dàn máy tính cũng rất dễ gây nên tình trạng máy restart liên tục.
Bộ nguồn là một linh kiện cực kỳ quan trọng mà anh em cần lưu ý nhiều nhất. Khi build PC, chúng ta hay tập trung vào CPU, RAM, VGA và các linh kiện khác. Nhưng một lời khuyên cho anh em như này, sau khi chọn được combo CPU + Mainboard + RAM, linh kiện tiếp theo anh em nên quan tâm chính là nguồn (PSU) nhé.
Hãy chọn bộ nguồn có chất lượng một chút nhé. Chọn mua từ các hãng uy tín, chuẩn nguồn tối thiểu là 80 plus, công suất của nguồn nên nhiều hơn khoảng 100 – 150W so với mức tiêu thụ của toàn bộ hệ thống máy tính.
8. Máy tự khởi đông lại liên tục vì nhiệt độ máy tính cao
Nhiệt độ máy tính chủ yếu do nhiệt độ của CPU lẫn card màn hình rời (nếu có) và nguồn máy tính gộp lại mà tạo nên.
Khi máy tính hoạt động với mức nhiệt độ cao trong thời gian dài, rất có thể hệ thống sẽ buộc phải tự ngắt dòng điện và khởi động lại để tắt các chương trình đang chạy. Qua đó, các linh kiện sẽ phải làm việc lại từ đầu, dần dần làm cho nhiệt độ tổng thể được hạ dần.
Cách khắc phục:
– Vệ sinh máy tính thường xuyên, tra keo tản nhiệt CPU và VGA định kỳ.
– Lắp hệ thống tản nhiệt cho CPU cao cấp hơn. Bạn có thể sử dụng các bộ tản khí cao cấp hơn tản stock hoặc lắp tản AIO, tản custom.
– Với Case, hãy lắp thêm các tản khí để tạo nên hệ thống lưu thông khí tốt nhất cho bên trong.
– Sử dụng máy tính trong không gian phòng có nhiệt độ mát mẻ.
9. Máy tính tự khởi động lại liên tục có thể do card màn hình
Card màn hình là linh kiện có chức năng xuất hình ảnh nên trong vấn đề máy tính bị khởi động lại liên tục thì hiếm khi xảy ra với nguyên nhân từ linh kiện này.
Nhưng cũng không thể loại bỏ được lý do này ra khỏi những lý do làm máy tính bị reset nhiều lần, nhất là đối với các bộ máy tính sử dụng Card màn hình rời làm nơi xuất hình ảnh chính.
Cách khắc phục
Bạn nên mang chiếc card màn hình hiện tại của mình mang sang hệ thống máy tính khác rồi cắm vào để chạy thử.
10. Laptop khởi động lại liên tục do nguồn điện gặp vấn đề
Với laptop gặp phải tình trạng tự khởi động lại nhiều lần thì nguyên nhân phổ biến hay gặp nhất là đến từ nguồn cung cấp điện năng.
Pin chai hoặc Adapter của sạc có vấn đề là 2 nguyên nhân chính gây nên hiện tượng này.
Cách khắc phục:
– Với tình trạng pin bị chai và khiến máy tính bị khởi động lại liên tục thì cách đơn giản nhất là mua cục pin mới lắp vào. Đây là linh kiện không thể phục hồi như các bộ phận khác của chiếc laptop
– Nếu cắm sạc máy tính không nhận hoặc có nhận điện nhưng máy vẫn khởi động lại liên tục kể cả trong trường hợp chưa tháo pin ra khỏi máy thì rất nhiều khả năng do sạc pin bị hỏng. Bạn nên lấy một chiếc sạc pin khác cắm thử vào laptop, còn chiếc sạc gốc của laptop thì nên cắm thử vào một máy khác để kiểm tra khả năng sạc của nó.
11. Thiết lập tính năng Automatic Restart trong Windows
Nguyên nhân cuối cùng khiến máy tính bị khởi động lại nhiều lần có thể đến từ việc bật tính năng tự động Restart trong Windows.
Để xem tính năng này có đang được bật hay không, anh em thực hiện theo các bước sau:
– Bước 1: Gõ Advance System vào thanh tìm kiếm => chọn View Advanced System Settings.
– Bước 2: Chọn tab Advance => chọn Settings ở dòng Startup and Recovery
– Bước 3: Bỏ tích tùy chọn Automatically restart => OK
Qua bài viết trên đây, ComputechZ mong rằng các bạn đã biết được thêm lý do mà khiến máy tính khởi đông lại liên tục cũng như cách khắc phục trong từng trường hợp cụ thể. Nếu bạn còn biết thêm lý do nào dẫn tới hiện tượng này, hãy để lại bình luận phía dưới để mọi người cùng biết thêm nhé.